Giới thiệu về làng nghề gốm sứ Bát Tràng
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng có rất nhiều điều thú vị về du lịch, văn hóa, ẩm thực và sản xuất gốm sứ mà chúng ta có thể tìm hiểu khi đến thăm. Đây là những điều thu hút một lượng khách du lịch lớn hàng năm đến chơi và mua sắm tại Bát Tràng. Hôm nay, Gốm sứ Bát Tràng News sẽ giới thiệu về làng nghề gốm Bát Tràng cho quý khách rõ hơn những điều thú vị trên nhé.
Giới thiệu chung về làng gốm Bát Tràng
Làng gốm Bát Tràng ở đâu
Nằm cách trung tâm thành phố hơn 10km về phía Đông Nam, làng gốm Bát Tràng nằm ở ngay cạnh sông Hồng, nay thuộc xã Bát Tràng huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ở đây, nổi tiếng với truyền thống làm gốm sứ được truyền từ đời này sang đời khác gần một nghìn năm qua.
Lịch sử phát triển làng gốm Bát Tràng
Làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời Lý. Trước đó, làng gốm Bát Tràng có tên là làng Bồ Bát cho đến khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Các dòng họ nổi tiếng tại làng nghề này đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp. Đến Bạch Thổ phường thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cùng với dòng họ Nguyễn ở đây đã mở lò gốm sản xuất lập nên làng gốm bát Tràng ngày nay. Thời kỳ đó, nơi đây có nguồn đất sét trắng nhưng dần dần nguồn nguyên liệu này cạn kiệt và người thợ làng gốm phải đặt nguồn đất sét từ nơi khác ở Trúc Thôn và Cao Lanh.
Bản đồ đến với làng gốm Bát Tràng Gia Lâm
Giới thiệu về sản phẩm gốm sứ Bát Tràng
Các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được đánh giá rất cao về chất lượng và mẫu mã đa dạng. Trong đó, mỗi loại sản phẩm lại có những đặc tính độc đáo riêng được chia thành các nhóm như gốm sứ gia dụng, đồ thờ cúng, gốm sứ xây dựng, gốm sứ mỹ nghệ và gốm sứ trang trí. Đa phần các sản phẩm Bát Tràng đều được sản xuât thủ công, thể hiện sự sáng tạo của người thợ qua rất nhiều ngước men quý.
Chính vì vậy mà gốm Bát Tràng không chỉ được người dân trong nước yêu mến mà thương hiệu còn vươn tầm thế giới, có mặt tại nhiều quốc gia có nền kinh tế mạnh như Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc và các nước châu Phi… Việc xuất khẩu gốm sứ ra thị trường quốc tế không chỉ góp phần giới thiệu quảng bá thương hiệu gốm sứ mang cấp quốc gia mà còn là một địa điểm thu hút khách du lịch nước ngoài về Hà Nội được nhiều khách nước ngoài yêu thích.
Ở Bát Tràng, có chợ gốm Bát Tràng với diện tích hơn 5000m2 bao gồm rất nhiều gian hàng trưng bày các sản phẩm từ tinh xảo đến gia dụng bình dân của hơn 1000 hộ kinh doanh tại làng gốm cổ truyền.
Chợ gốm Bát Tràng với có bày bán nhiều sản phẩm đa dạng
Giới thiệu về quy trình làm gốm Bát Tràng
Quy trình sản xuất gốm sứ Bát Tràng trải qua rất nhiều công đoạn làm thủ công phức tạp. Đầu tiên, các nghệ nhân phải tạo hồ bằng cách ngâm đất sét vào một bể chứa hỗn hợp dung dịch. Vừa để làm đất sét thành dạng lỏng để đổ khuôn tạo hình sản phẩm. Với những nghệ nhân làm sản phẩm theo hướng vuốt tay thì không cần phải làm bước này, họ sẽ tự vuốt đất sét tạo hình dáng sản phẩm bằng tay và bàn xoay.
Tiếp theo là đến công đoạn phơi khô ngoài nắng, hoặc sấy khô bằng cách tận dụng lò đun núng để các sản phẩm phơ vừa tạo hình bên cạnh lò. Hoặc nhiều nhà sản xuất có hệ thống sấy khô riêng. Việc này rất quan trọng để tránh sản phẩm bị cong, vênh, nứt, vỡ và để khô ráo chuẩn bị vẽ trang trí hoa văn lên bề mặt.
Ở công đoạn trang trí hoa văn, người thợ sẽ dùng bút lông vẽ trực tiếp lên các sản phẩm sao cho hài hòa với dáng gốm. Sau khi hoàn chỉnh, sản phẩm phải được làm sạch bằng chổi lông rồi đem nung qua ở nhiệt độ thấp, và đem đi tráng men.
Về kỹ thuật tráng men có rất nhiều hình thức tùy vào mục đích tạo ra sản phẩm như dội men, phun men, nhúng men, quay men, kìm men và đúc men.
Bước cuối cùng là kỹ thuật đun lò rất quan trọng cần người làm gốm có nhiều năm kinh nghiệm. Tùy vào loại men mà người đun lò sẽ tùy chỉnh nhiệt độ đun lò dao động từ 1000ºC đến 1800ºC theo quy tắc tăng dần nhiệt độ đến khi sản phẩm chín thì giảm dần nhiệt độ. Sau khi đun lò, cửa lò sẽ được bịt kín cho đến khi nhiệt độ giảm xuống thấp nhất an toàn cho người làm lò để thực hiện công đoạn dỡ lò. Trước đây, để đun một mẻ lò có thể mất cả 1 tuần nhưng bây giờ với việc sử dụng lò gas thời gian đó đã được giảm xuống chỉ còn chưa đến một ngày, tính cả thời gian để nguội lò.
Sân chơi nặn đất sét tại Bát Tràng
Giới thiệu những địa điểm du lịch thú vị ở làng gốm Bát Tràng
Khách hàng đến làng gốm Bát Tràng ngoài mua sắm các sản phẩm còn có rất nhiều về du lịch, vui chơi, ăn uống thăm quan ở đây. Hiện nay, để ngắm nhìn các bức tường phơi than quả thực rất khó, bởi lò than không còn thông dụng ở Bát Tràng nữa, vì người dân ở đây đã thay bằng lò gas tiên tiến vừa an toàn lao động, lại đảm bảo sức khỏe cho người thợ và môi trường xung quanh. Tuy nhiên, ở dọc trục đường chính từ dốc đê Bát Tràng xuống chợ sứ Bát Tràng chúng ta có thể hả hê ngắm các đồ gốm sứ cao cấp được trưng bày ngay mặt đường với muôn vàn màu sắc độc đáo.
Đặc biệt, ở Bát Tràng có lễ hội thường được tổ chức vào tháng hai âm lịch với rất nhiều trò chơi truyền thống và lễ rước hội rất hoành tráng.
Nếu bạn muốn người thợ làm gốm làm ra các sản phẩm thế nào thì có thể vào thăm các xưởng sản xuất gốm sứ. Chắc chắn bạn phải nể phục trước sự tài tình, khéo léo, tỉ mỉ của các nghệ nhân với bàn tay tài hoa đã biến vật vô tri vô giác thành những tác phẩm nghệ thuật đầy tinh túy.
Lễ hội truyền thống tại Bát Tràng
Hoặc bạn có thể trải nghiệm tự nặn cho mình các sản phẩm gốm sứ nhu cốc, chén, đĩa với các sân chơi nặn đất sét gốm sứ Bát Tràng. Vé dao động chỉ từ 40.000đ đến 60.000đ một người/ 1 lượt. Hầu hết các sân chơi này tập trung ở gần chợ gốm.
Qua nhiều công đoạn như quy trình sản xuất gốm sứ chúng tôi nói ở trên, quý khách có thể tạo ra các sản phẩm gốm sứ tự mình làm ra để làm quà lưu niệm ý nghĩa qua dịp về thăm làng gốm.
Nhà cổ ở Bát Tràng được nhiều du khách đến thăm
Những địa điểm du lịch tại làng gốm Bát Tràng có thể kể đến là nhà Vạn Vân và đình làng gốm. Trong đó, nhà Vạn Vân là nơi trưng bày hơn 200 món đồ gốm cổ có giá trị quý giá từ nhiều thế kỷ về trước.
Đình Làng Gốm nằm cạnh sông Hồng, nơi lưu giữ nhiều truyền thống của làng gốm. Ở những nơi này, du khách sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị trong chuyến tham quan làng gốm Bát Tràng.
Ngoài ra, món măng mực là một đặc sản ẩm thực mà bạn nên thưởng thức khi đến làng gốm Bát Tràng. Và có rất nhiều món ăn truyền thống làng quê mà bạn có thể mua về làm quà.
Làng gốm Bát Tràng có rất nhiều điều thú vị về lịch sử, văn hóa, sản phẩm gốm sứ mà bạn phải mất một ngày để khám phá chúng. Người dân nơi đây rất thân thiện để lại ấn tượng tốt cho du khách đến thăm. Chúng tôi hy vọng qua bài viết giới thiệu về làng gốm Bát Tràng này, các bạn có thể có những chuẩn bị tốt nhất nếu có ý định khám phá làng gốm cổ nhất Việt Nam này.
Bình luận bài viết